PDA

View Full Version : Bài viết so sánh về Khoa học VN và các nước trong khu vực


aqhl
10-25-2007, 01:13 PM
Bài viết phân tích rất đầy đủ về tình hình khoa học Việt Nam và so sánh chi tiết với các nước trong khu vực Đông Nam Á thể hiện qua chỉ số trích dẫn, Impact factor. Tác giả bài viết là GS. TS Y khoa Nguyễn Văn Tuấn, làm việc tại Viện nghiên cứu y khoa Garvan, Sydney, Úc và TS Y Khoa Nguyễn Đình Nguyên cũng làm việc tại Úc.

Xem thêm thông tin về GSTS Nguyễn Văn Tuấn: http://www.nguoivienxu.vietnamnet.vn/vinhdanhnuocviet/2005/07/466569/

Thảo luận trên chemvn về Impact factor: http://www.compchem.hcmuns.edu.vn/chemvn/showthread.php?t=409

Tên một số nước trong khu vực Đông Nam Á:

Nam Dương: Indonesia, Phi Luật Tân: Philippines, Mã Lai: Malaysia

Mình cũng gởi thêm bản Impact factor của các tạp chí năm 2005.

chocolatenoir
10-26-2007, 04:23 AM
Mình bổ sung thêm một số thông tin về giáo sư Nguyễn Văn Tuấn. Ngoài các hoạt động khoa học giáo sư còn rất tích cực viết bài cho các tạp chí như Tia sáng và Vietsciences về các vấn đề xung quanh việc Nang cao chất chất lượng và đánh giá chất lượng nghiên cứu khoa học. Vốn là tiến sỹ toán thống kê (bên cạnh tiến sỹ Y khoa) nên các số liệu và biện luận của giáo sư rất chặt chẽ và logic nên có sức thuyết phục cao.

Cám ơn Mr aqhl!!!


Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn là nhà khoa học gốc Việt đầu tiên được bổ nhiệm chức danh Chuyên gia nghiên cứu cao cấp của Ủy hội Nghiên cứu y khoa và y tế quốc gia Úc - chức danh chính phủ Úc dành cho những nhà khoa học ưu tú nhất của ngành y khoa trong nước.

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn không còn xa lạ với nhiều đồng nghiệp Việt Nam do những đóng góp của ông đối với quê hương trong những năm qua. Ở Úc, suốt 15 năm gắn bó với dự án nghiên cứu bệnh loãng xương, ông là chủ nhiệm đề án Nghiên cứu dịch tễ học lâm sàng và di truyền của bệnh loãng xương - dự án nghiên cứu bệnh này có thời gian theo dõi đối tượng dài nhất trên thế giới (đã 18 năm). Trong suốt thời gian đó, ông đã đóng góp cho ngành loãng xương thế giới trên dưới 150 bài báo khoa học, có những bài được đăng trên các chuyên san y học uy tín hàng đầu thế giới như Nature, JAMA, The Lancet.

Trong số các nghiên cứu đó có 50 nghiên cứu được trích dẫn trên 50 lần, có những nghiên cứu của ông được đồng nghiệp quốc tế trích dẫn trên 200 lần. Nhiều số liệu nghiên cứu do ông công bố đã được Tổ chức Y tế thế giới sử dụng để làm tiêu chí nghiên cứu bệnh lý loãng xương.

Ông cũng đã được mời làm giáo sư ở Đại học Wright State, Ohio, Mỹ (1998-2000) và giáo sư thỉnh giảng ở các trường đại học khác ở Mỹ, châu Âu, Hồng Kông, Thái Lan và nhiều nơi khác. Ông còn là chuyên gia bình duyệt cho trên 15 tập san y khoa quốc tế; là thành viên hội đồng biên tập của các tập san đầu ngành về bệnh lý xương và chất khoáng của thế giới. Ngoài ra, ông cũng là đồng tác giả trong các sách giáo khoa kinh điển về loãng xương.

Ông đã đào tạo được một số nhà khoa học trẻ đoạt nhiều giải thưởng quốc tế quan trọng. Với sự nghiệp đóng góp cho khoa học của mình, ông hoàn toàn xứng đáng được đề bạt chức danh này (bắt đầu từ năm 2008). Ông là một trong những người châu Á hiếm hoi được đề bạt và trong giới y khoa ông cũng là người Việt đầu tiên và duy nhất hiện nay ở Úc nhận được vinh dự này.

Đối với Việt Nam, đóng góp đầu tiên và có ý nghĩa của GS Nguyễn Văn Tuấn phải kể đến là việc xuất bản cuốn sách về chất độc da cam (Chất độc da cam, Dioxin và Hệ quả - Nhà xuất bản Trẻ, 2004), trong đó ông đã tập hợp các dữ kiện thành bằng chứng khoa học cụ thể về những tác hại của chất độc da cam lên sức khỏe con người. Cuốn sách ra đời đúng vào dịp các nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam chuẩn bị thủ tục để kiện các công ty hóa chất ở Mỹ, và đã gây một tiếng vang sâu rộng. Cuốn sách này sau đó được các đồng nghiệp quốc tế dịch sang tiếng Pháp và tiếng Anh.

Liên tục trong những năm sau đó, GS Tuấn đã cho xuất bản thêm 5 đầu sách y khoa nữa, các sách của ông đều thuộc loại bán chạy ở Việt Nam. Ngoài ra, GS Tuấn còn là cố vấn tích cực của Hội Loãng xương TPHCM, cố vấn cho nhiều công trình nghiên cứu về bệnh lý này trong nước.

chocolatenoir
10-26-2007, 05:26 AM
Vấn đề tác giả bài báo khoa học

Trường hợp 1. “Tôi tên là Stephen Brown, nghiên cứu sinh tiến sĩ sinh hóa tại Đại học Yale. Khoảng một năm tháng trước đây, tôi được kéo sang một phòng thí nghiệm khác để giúp đỡ phát triển một phương pháp phân tích sinh hóa cho giáo sư Smith. Sau hơn 6 tháng làm việc, tôi đã thành công với phương pháp, và công trình nghiên cứu của giáo sư Smith tiến triển tốt đẹp. Mới đây tôi thấy một bản thảo của công trình nghiên cứu đã được soạn ra, nhưng trong số tên tác giả không có tên tôi. Giáo sư Smith chỉ đề tên tôi trong phần cảm tạ với lời cám ơn là tôi đã cung cấp những “chỉ dẫn quí báu”. Tôi nghĩ đây là một sự cướp công, vì tôi xứng đáng đứng tên tác giả, bởi vì không có tôi thì làm sao công trình nghiên cứu có thể hoàn tất được. Vậy tôi phải làm sao bây giờ ?”

Trường hợp 2. Laura (không phải tên thật) là một nghiên cứu sinh, và đề tài nghiên cứu là ảnh hưởng của gen trong loãng xương. Laura làm việc dưới sự hướng dẫn của người viết bài này. Theo qui định của trường, ngoài tôi ra, Laura còn có một giám thị phụ (co-supervisor), phòng khi tôi đi xa Laura có thể tham vấn vị giám thị phụ này. Nhưng trong suốt thời gian nghiên cứu tôi chưa bao giờ vắng trường quá 2 tuần, cho nên tất cả nghiên cứu của Laura đều do tôi điều hành. Sau gần một năm làm việc cật lực Laura có kết quả và viết một bài báo khoa học do tôi trực tiếp hướng dẫn. Bài báo có 3 tác giả: Laura đứng đầu trong danh sách tác giả; một tác giả thứ 2 có đóng góp về phân tích dữ kiện và diễn giải kết quả; và tác giả chót là tôi. Vị giám thị phụ khi xem thấy bản thảo không có tên mình, bèn làm áp lực cho Laura phải để tên của cô vào danh sách tác giả. Cô giám thị phụ này lí giải rằng vì đóng vai trò “co-supervisor” nên phải có tên trong bài báo! Laura rất lo lắng trước sức ép vì sợ sẽ bị phê vào hồ sơ không tốt, và hỏi tôi phải quyết định ra sao?


Trên đây chỉ là hai trường hợp là khá tiêu biểu cho những tranh chấp chung quanh vấn đề đứng tên tác giả một bài báo khoa học. Có thể nói hầu như ở bất cứ trung tâm nghiên cứu nào, bất cứ trường đại học nào trên thế giới đều có vấn đề này: ai là người xứng đáng được đứng tên tác giả trong một bài báo khoa học. Cái trớ trêu trong hoạt động khoa học là khoa học giải quyết được rất nhiều vấn đề của nhân loại, nhưng đứng trước vấn đề tác giả thì khoa học có vẻ trở nên bất lực! Đối với người ngoài khoa học, người ta tưởng khoa học là một môi trường dân chủ và khách quan, nhưng trong thực tế thì có khi rất phản dân chủ và hoàn toàn chủ quan, nhất là trong vấn đề tác giả bài báo.

Nhà khoa học xây dựng uy danh của mình trên trường hoạt động khoa học quốc tế cũng giống như một công ti xây dựng thương hiệu trong trường thương mại. Trách nhiệm và uy tín là hai khía cạnh quan trọng số 1 trong việc xây dựng uy danh trong hoạt động khoa học. Đứng tên tác giả của một bài báo khoa học là một hình thức hiển nhiên nhất trong việc tạo uy tín và chịu trách nhiệm khoa học. Nhưng trong thực tế, ai có quyền hay xứng đáng đứng tên tác giả của một bài báo khoa học là một vấn đề tế nhị, thường gây ra tranh cãi, bất hòa trong đồng nghiệp, thậm chí dẫn đến kiện cáo. Ở nước ta, vấn đề này có vẻ trầm trọng hơn, nhưng ít khi nào được bàn đến. Rất nhiều nghiên cứu sinh phàn nàn rằng trong khi họ phải cật lực làm nghiên cứu, các thầy cô lại dành quyền đứng tên tác giả bài báo khoa học!

Thế thì một câu hỏi then chốt đặt ra: Ai là người xứng đáng đứng tên tác giả trong một bài báo khoa học? Trả lời câu hỏi này không đơn giản chút nào, bởi vì câu trả lời còn tùy thuộc vào “văn hóa” làm việc của từng trung tâm nghiên cứu hay trường đại học, tùy thuộc vào cảm nhận cá nhân (và chủ quan) của các thành viên trong công trình nghiên cứu. Một công trình nghiên cứu thực nghiệm từ khi phát sinh ý tưởng cho đến khi hoàn tất là cả một dây chuyền liên tục, với sự đóng góp của nhiều thành viên với nhiều chuyên môn khác nhau. Vì thế, có thể nói bất cứ thành viên nào cũng cảm thấy đóng góp của mình là quan trọng (với suy nghĩ kiểu “không có tôi thì công trình nghiên cứu sẽ không thành công”), nhưng mức độ đóng góp phải khác nhau. Do đó, việc xác định ai có tư cách đứng tên tác giả đòi hỏi những tiêu chuẩn khách quan.


Tiêu chuẩn
Năm 1985, Ủy ban tổng biên tập các tập san y học (International Committee of Medical Journal Editors – ICMJE, còn gọi là Vancouver Group) đề ra 3 tiêu chuẩn cho một tác giả bài báo khoa học. Năm 2000, 3 tiêu chuẩn này được hiệu đính lại, và được giới khoa học quốc tế công nhận là những tiêu chuẩn vàng để qui quyền tác giả. Theo định nghĩa của ICMJE [4], một thành viên nghiên cứu có tư cách đứng tên tác giả phải hội đủ tất cả 3 tiêu chuẩn sau đây:

* Một là đã có đóng góp quan trọng trong việc hình thành ý tưởng và phương pháp nghiên cứu, hay thu thập dữ kiện, hay phân tích và diễn dịch dữ kiện;
* Hai là đã soạn thảo bài báo hay kiểm tra nội dung tri thức của bài báo một cách nghiêm túc;
* Ba là phê chuẩn bản thảo sau cùng để gửi cho tập san.


Định nghĩa của ICMJE nói cụ thể là những người chỉ có công tìm tài trợ, chỉ có công thu thập dữ kiện, hay chỉ có công lãnh đạo một nhóm nghiên cứu không có quyền đứng tên tác giả nếu như không hội đủ ba tiêu chuẩn trên đây [4].
Thật ra, những tiêu chuẩn trên đây cũng vẫn còn khá chung chung, và có thể được diễn dịch khác nhau tùy theo quan điểm của tác giả. Do đó, Tập san Lancet triển khai 3 tiêu chuẩn trên thành 10 đóng góp cụ thể như sau:

1/ Soạn thảo bài báo: đây là những người viết bản thảo đầu tiên của bài báo, và những người tham gia kiểm tra, biên tập, và viết bản thảo cuối cùng;

2/ Thiết kế nghiên cứu: là những người đã từng tham gia vào việc thảo luận phương cách tiến hành nghiên cứu ngay từ lúc công trình nghiên cứu mới bắt đầu. Có khi một công trình nghiên cứu có nhiều chủ đề khác nhau cần giải quyết, và mỗi bài báo tập trung vào một vấn đề cá biệt. Trong trường hợp này, người “thiết kế nghiên cứu” có thể kể cả những người đã có công thảo luận về cách chọn dữ kiện, hay chọn đối tượng trong công trình nghiên cứu cho vấn đề cần giải quyết.

3/ Phân tích hay diễn giải dữ kiện: là những người tham gia vào việc phân tích dữ kiện, và diễn giải những kết quả phân tích. Hai chữ “phân tích” ở đây phải được hiểu rộng hơn, bao gồm các đóng góp chung về những chỉ tiêu lâm sàng để nghiên cứu và chiến lược phân tích, chứ không theo nghĩa hẹp là phân tích số liệu.

4/ Thu thập dữ kiện: là những người đã tham gia vào việc thiết kế các phương tiện và trực tiếp thu thập dữ kiện, như bác sĩ phỏng vấn bệnh nhân, đo lường áp suất máu, v.v…

5/ Điều hợp công trình nghiên cứu: là những người trực tiếp quản lí công trình nghiên cứu.

6/ Phân tích lâm sàng: là những người trực tiếp tham gia vào việc chẩn đoán bệnh tật, hay diễn giải các các chỉ tiêu lâm sàng trong công trình nghiên cứu.

7/ Phân tích cơ bản: là những người trực tiếp tham gia vào việc đo lường các chỉ tiêu lâm sàng trong phòng thí nghiệm, như phân tích cholesterol, ước tính CD4, mật độ chất khoáng trong xương, v.v…

8/ Phân tích thống kê: là những người trực tiếp tham gia vào việc phân tích các số liệu bằng các phương pháp thống kê. Thường thường đây là những nhà thống kê học.

9/ Cố vấn về thiết kế nghiên cứu: là những người đã từng cố vấn trong việc tiến hành nghiên cứu ngay từ lúc công trình nghiên cứu mới bắt đầu. Thường thường đây là những chuyên gia về thống kê học.

10/ Quản lí dữ kiện: trong các công trình nghiên cứu lớn, số lượng dữ kiện thu thập rất đồ sộ, và nhu cầu cho việc quản lí dữ kiện cũng rất lớn. Do đó, những người có công quản lí database cũng được ghi nhận. Thông thường đây là những chuyên gia vi tính.

chocolatenoir
10-26-2007, 05:31 AM
Vì thế, một số tập san y học (như Lancet, JAMA, New England Journal of Medicine, British Medical Journal …) ngày nay yêu cầu tác giả phải tự khai báo cụ thể là họ đã đóng vai trò gì trong bài báo hay trong công trình nghiên cứu, dựa vào 10 đóng góp trên đây.

Trên nguyên tắc là như thế, nhưng còn trong thực tế thì sao? Trong thực tế, có người chỉ có một đóng góp trong 10 tiêu chuẩn trên cũng đứng tên tác giả bài báo! Và thực tế này làm cho nhiều người quan tâm. Thật vậy, vấn đề tác giả bài báo khoa học đã và đang (và có thể sẽ) là một vấn đề được nhiều người trong giới khoa học, kể cả biên tập của các tập san khoa học, quan tâm. Theo một phân tích công bố trên tập san JAMA vào năm 1998, các nhà nghiên cứu điểm qua tất cả các bài báo trên 6 tập san y học lớn nhất và phát hiện một số sự thật không mấy tích cực: 19% các bài báo có những “tác giả danh dự” (honorary authors, tức là các tác giả có tên trong bài báo mà không đáp ứng các tiêu chuẩn để đứng tên tác giả); 11% có hiện tượng “tác giả ma” (ghost authors, tức là những người có cống hiến quan trọng đáng lẽ xứng đáng đứng tên tác giả, nhưng lại không có tên trong danh sách tác giả) [1].



Trong một phân tích công phu 1068 bài báo công bố trên tập san Radiology từ năm 1998 đến 2000, các nhà nghiên cứu Hàn Quốc cho thấy gần 1 phần 3 các tác giả có tên trong các bài báo này không đủ tiêu chuẩn để đứng tên tác giả [2].

Trong một phân tích khác, tác giả tập trung vào các bài báo trên tập san quang tuyến học Roentgenology, và muốn biết có bao nhiêu tác giả có tên trong các bài báo khoa học nhưng không xứng đáng [2]. Tác giả phát hiện trong những bài báo có 3 tác giả, có khoảng 9% tác giả không xứng đáng có tên; và trong những bài báo có 6 tác giả trở lên, có khoảng 30% tác giả không xứng đáng có tên trong bài báo! Ai là những tác giả không xứng đáng này? Theo nhà nghiên cứu, họ là những bác sĩ cung cấp bệnh nhân cho nghiên cứu (29%), những người có quyền thế có thể gây khó khăn cho các tác giả khác (40%). Ngoài ra, chỉ có 80% bài báo mà bản thảo được tất cả các tác giả đọc; nói cách khác, có đến 20% bài báo mà có khi tác giả có tên nhưng chẳng bao giờ đọc qua [3].


Vị trí của tác giả
Như nói trên, nghiên cứu khoa học ngày nay là một công trình của một tập thể. Do đó, không ai ngạc nhiên khi thấy khoảng 50% các bài báo khoa học trên các tập san y học có 5 tác giả trở lên. Vấn đề đặt ra là cách sắp xếp thứ tự trong danh sách tác giả của bài báo phải như thế nào để phản ánh công trạng của thành viên tham gia trong công trình nghiên cứu. Trên nguyên tắc, thứ tự tác giả phải dựa vào mức độ đóng góp của tác giả. Người có đóng góp nhiều nhất hay quan trọng nhất phải là tác giả số 1; người có công quan trọng kế tiếp phải là tác giả số 2, vân vân.

Thế nhưng trong thực tế thì sự việc không xảy ra như trên lí thuyết. Cái khó khăn chính là không có cách nào để đo lường đóng góp của tác giả một cách đáng tin cậy và khách quan. Chẳng hạn như rất khó mà phân biệt một “đóng góp quan trọng” (major contribution) và “đóng góp một phần” (partial contribution). Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp cụ thể, việc phân biệt cũng không mấy khó khăn. Ví dụ như đề xuất mô hình và tiến hành phân tích dữ kiện và diễn giải kết quả phân tích là một “đóng góp lớn” (bởi vì điều này đòi hỏi một khả năng chuyên môn cao), nhưng phân loại nguyên nhân tử vong thì đó là một đóng góp nhỏ (vì nó tương đương với một việc làm hành chính) dù rất tốn thì giờ.


Theo kinh nghiệm của người viết bài này, trong lĩnh vực nghiên cứu y học, các tác giả đầu (số 1) thường là những nghiên cứu sinh hay những người có đóng góp nhiều nhất cho bài báo và công trình nghiên cứu, và trong trường hợp tác giả số 1 là nghiên cứu sinh, tác giả số 2 thường là thầy cô hay người hướng dẫn của nghiên cứu sinh, và tác giả sau cùng có thể là người đứng đầu của nhóm nghiên cứu hay người có đóng góp ít nhất. Còn những người còn lại thì có thể là những người có ít nhiều đóng góp trong 10 tiêu chuẩn trên. Nhưng như đề cập trên, trong thực tế cũng có nhiều tác giả có tên trong danh sách chỉ là tác giả danh dự, chứ chẳng có đóng góp gì vào công trình nghiên cứu, hay có đóng góp nhưng mức độ công trạng không xứng đáng là một tác giả.


Trong một nghiên cứu công bố trên Tập san Annals of Internal Medicine [5], V. Yank và D. Rennie thẩm định 115 bài báo công bố trên Tập san Lancet từ tháng 7/1997 đến 12/1997, với 785 tác giả (tính trung bình khoảng 7 tác giả trên một bài báo). Trong số 115 bài báo này, khi đối chiếu lại với 3 tiêu chuẩn “vàng” của ICMJE, chỉ có 56% các tác giả hội đủ 3 tiêu chuẩn mà thôi! Nói cách khác, có đến 44% các tác giả có tên trong bài báo nhưng không hội đủ 3 tiêu chuẩn của ICMJE. Khi phân tích theo thứ tự tác giả, số lượng tác giả hội đủ cả 3 tiêu chuẩn như sau: tác giả số 1 (71%), tác giả 2 (60%), tác giả 3 (47%), tác giả chót (69%). Như vậy có khoảng 40% đến 53% các tác giả thứ 2 và thứ 3 không hội đủ3 tiêu chuẩn để đứng tên tác giả. Ngay cả trong cách tác giả số 1, có đến gần 30% không hội đủ 3 tiêu chuẩn để đứng tên tác giả!

Như đã trình bày trên, bản chỉ dẫn của ICMJE đặc biệt nhấn mạnh rằng những người có công trong việc thu thập dữ kiện, giám thị hay người hướng dẫn, và tìm nguồn tài trợ cho công trình nghiên cứu không đủ điều kiện để đứng tên tác giả nếu không hội đủ 3 điều kiện chính. Thế nhưng trong thực tế, rất ít ai tuân thủ theo chỉ dẫn này! Phân tích của V. Yank và D. Rennie cho biết có đến35% tác giả là những người tham gia thu thập dữ kiện nhưng không hội đủ cả 3 điều kiện; 36% tác giả là những người giám thị nhưng không hội đủ cả 3 điều kiện; và 8% tác giả là những người có công tìm nguồn tài trợ nhưng không hội đủ cả 3 điều kiện.

Khi phân tích theo 10 tiêu chuẩn phụ, V. Yank và D. Rennie cho thấy tác giả số 1 và tác giả chót thường là những người trực tiếp tham gia vào việc soạn thảo bài báo; ngược lại, tác giả số 2 và số 3 thường là những người đã làm công tác phân tích thống kê và quản lí số liệu (xem bảng thống kê số 1). Các phân tích này cho thấy dù một bài báo có nhiều tác giả, nhưng trong thực tế chỉ có 3 hay bốn tác giả (số 1, 2, 3 và tác giả chót) là có đóng góp đáng kể mà thôi, phần còn lại có thể nói chỉ là những “tác giả danh dự” hay tác giả không hội đủ điều kiện để đứng tên tác giả.


Vài nhận xét
Cụm từ “tác giả” là dịch từ chữ “Author” trong tiếng Anh, và từ Author có nguồn gốc Latin là “Auctor” có nghĩa nguyên thủy là người có uy tín hay người có thẩm quyền. Đứng tên tác giả một bài báo khoa học, hiểu theo nghĩa này, cũng có đồng nghĩa với tạo cho mình một uy tín và thẩm quyền, và quan trọng hơn hết là phải chịu trách nhiệm trước công chúng về các phát biểu trong bài báo. Về mặt cá nhân nhà nghiên cứu, đứng tên tác giả trong bài báo khoa học không chỉ là một phần thưởng, mà còn là viên gạch quí báu để xây dựng sự nghiệp. Do đó, không ngạc nhiên khi thấy nhiều người tranh đua nhau, thậm chí gây hấn nhau, để đứng tên tác giả một bài báo.

Như vừa trình bày, trong thực tế, có rất nhiều tác giả không xứng đáng và không hội đủ điều kiện để đứng tên tác giả nhưng lại có tên trong bài báo. Ngược lại, cũng có nhiều người mà mức độ cống hiến đáng lẽ hội đủ điều kiện để đứng tên tác giả, nhưng lại không có tên trong bài báo và trở thành những “tác giả ma” – ghost authors! Điều này dẫn đến một hệ quả là có nhiều tác giả có tên trong bài báo mà không hề biết gì về nội dung của bài báo! Tôi từng xem lí lịch khoa học của một số nhà khoa học “lớn” với 500 đến 700 bài báo khoa học, nhưng khi tôi hỏi một vài bài một cách ngẫu nhiên, tác giả chỉ cười cho biết đó là công trình hợp tác với người khác, không nhớ thậm chí không biết viết gì trong đó! Nói cách khác, họ có tên trong bài báo nhưng chẳng quan tâm đến nội dung bài báo, và tỏ ra vô trách nhiệm trước công chúng. Rất tiếc, đây là một tình trạng rất phổ biến ngày nay.

Ngay cả vị trí của tác giả trong bài báo cũng không phản ánh chính xác mức độ cống hiến của tác giả. Nhưng nói chung, chỉ có tác giả số 1, 2, 3 và tác giả chót là những người thực sự có đóng góp quan trọng cho bài báo. Một trong những nguyên nhân cho tình trạng này là vì các trung tâm nghiên cứu và đại học không có một chính sách cụ thể để các nhà nghiên cứu dựa vào đó mà phân nhiệm. Trong vài trường hợp, nếu có chính sách, thì các nhà nghiên cứu lại không đồng ý về việc thi hành. Có người cho rằng các bác sĩ thu thập dữ kiện hay các “sếp” của nhóm nghiên cứu nhất định phải có tên trong bài báo dù họ chẳng biết bài báo nói về vấn đề gì! Họ lí giải rằng nếu không có họ thì công trình nghiên cứu sẽ không bao giờ thành công được. Thế nhưng cách biện minh này nhầm lẫn giữa tri thức khoa học và công tác hành chính. Một bài báo khoa học chỉ quan tâm đến khoa học, chứ không phải hành chính. Theo qui định hiện hành, họ phải được ghi nhận trong phần cảm tạ của bài báo, chứ không thể là tác giả được. Thế nhưng nếu tác giả đứng bài báo đầu là một nghiên cứu sinh thì tác giả chắc chắn sẽ không dám cãi lại “lệnh” của sếp và việc sếp cho tên trong bài báo trở thành một thông lệ, một thông lệ mà ai cũng biết là thối nát.

Năm 1943, Albert Schatz là một nghiên cứu sinh trẻ tuổi với một sứ mệnh tìm cho được thuốc để điều trị bệnh lao. Sau vài năm làm việc cật lực, Schatz khám phá thuốc kháng sinh streptomycin và là tác giả của một bài báo khoa học về khám phá này. Sếp và cũng là người hướng dẫn luận án của Schatz là Selman Waksman, bắt đầu dành công trạng về phía mình, bằng cách làm một cuộc vận động trong giới khoa học rằng ông là người khám phá ra streptomycin và không đề cập gì đến người nghiên cứu sinh của mình! Trong khi Waksman ngấm ngầm dành công trạng, cậu học trò Schatz hoàn toàn không hay biết gì cả, vì trong thực tế, cả Schatz và Waksman cùng kí tên trong bằng sáng chế (patent) streptomycin. Nhưng sau vài năm, Schatz mới biết được rằng Waksman đã bí mật kí một hợp đồng và bán bản quyền sáng chế (với một số tiền lớn) cho một công ti dược lớn, và trong hợp đồng này không có tên của Schatz! Schatz kiện Waksman ra tòa, và phán quyết công ti dược phải trả tiền sáng chế cho Schatz. Tuy nhiên, với vị thế của mình, vận động của Waksman đã thành công mĩ mãn: ông ta được trao giải thưởng Nobel vào năm 1952 vì “có công khám phá streptomycin.” Ủy ban Nobel chẳng biết đến Schatz bao giờ và do đó công trạng của anh ta không hề được ghi nhận. Công trạng của Schatz chỉ mới được tái phát hiện khi giới sử học xem lại quá trình khám phá thuốc kháng sinh quan trọng này [6].
Trong nhiều trung tâm nghiên cứu, thông thường các vị giám thị hay sếp trung tâm tự nhiên ghi tên mình trong các bài báo khoa học do nghiên cứu sinh và nhà nghiên cứu dưới quyền trực tiếp làm. Nếu các vị này thực sự có cống hiến quan trọng về ý tưởng, thu thập dữ kiện, phân tích, diễn giải và soạn thảo bài báo, thì cũng không có gì sai trong “thông lệ” này. Nhưng có nhiều trường hợp, các sếp chẳng có cống hiến gì đáng kể cho công trình nghiên cứu, ngoài việc thảo luận đôi ba lần về nghiên cứu và đọc qua bản thảo bài báo, lại có tên trong bài báo, và đó mới là vấn đề cần quan tâm. Có một số trường hợp tệ hại hơn nữa là nghiên cứu sinh chỉ đứng tên trong phần “Cảm tạ”!

Mặc dù “tập quán” các sếp đứng tên tác giả trong bài báo của các nhà nghiên cứu dưới quyền rất phổ biến, rất nhiều nạn nhân (phần lớn là nghiên cứu sinh) không dám thốt lời phàn nàn, mà chỉ than thở với các nạn nhân khác, vì sợ bị trả thù và trù dập. Một số thì giữ “thái độ Hàn Tín”, “nín thở qua sông”, chờ lấy cho được học vị tiến sĩ rồi kiếm chỗ khác làm việc. Khi phàn nàn trên các phương tiện truyền thông công cộng, các nạn nhân cũng không dám kí tên thật. Chẳng hạn như một lá thư từ một nghiên cứu sinh trên tờ nhật báo The Australian viết: "Nhiều nhà khoa học cấp cao hoặc ăn cắp ý tưởng của nghiên cứu sinh, hoặc không cho phép nghiên cứu có tên trong các bài báo quan trọng. Tôi cảm thấy đây là một hình thức đạo văn một cách xảo quyệt, nhưng tiếc thay hình thức này không phải là mới. Đề bạt trong nghiên cứu dựa vào công trạng trong nghiên cứu, tức là bài báo khoa học đã công bố; tuy nhiên nếu có một nhà nghiên cứu trẻ nào đó dám lên tiếng về tình trạng này, thì tương lai của nhà nghiên cứu đó sẽ là một ngõ cụt." [7].
Cái lực đằng sau của hiện tượng “cướp công” trên là tình trạng bất bình đẳng trong quyền lực khoa học. Những câu chuyện về bóc lột tri thức phát sinh ở bất cứ nơi nào mà các sếp và giáo sư giữ một vai trò mang tính quyết định tương lai của nghiên cứu sinh hay nhà khoa học dưới cấp. Trong cơ cấu bất bình đẳng như thế, vấn đề tác giả và tác quyền là một đề tài cấm kị.
Phải làm gì để tránh tình trạng nhập nhằng trong vấn đề quyết định ai là tác giả và vị trí của tác giả trong bài báo ? Theo kinh nghiệm cá nhân, tôi nghĩ có thể làm vài việc căn bản sau đây:

+ Trường đại học và trung tâm nghiên cứu cần phải phát triển một chính sách cụ thể về đóng góp trong nghiên cứu, và chỉ rõ các điều kiện cần thiết để các nhà nghiên cứu có thể xác định vị trí của tác giả trong bài báo;

+ Nên hoạch định tác giả và vị trí tác giả trước khi tiến hành nghiên cứu, nhất là trong giai đoạn thảo luận và thiết kế nghiên cứu;

+ Việc hoạch định này phải dựa theo các tiêu chuẩn của ICMJE đề ra, và tất cả các tác giả phải nhất trí trước khi tiến hành nghiên cứu.

Quay trở lại hai trường hợp mà tôi nêu lên trong phần đầu của bài viết, nếu dựa theo các tiêu chuẩn của ICMJE thì có lẽ Stephen Brown hội đủ điều kiện để đứng tên tác giả nếu anh ta tham gia vào việc phân tích và diễn giải kết quả bài báo. Nhưng trong trường hợp 2, vị giám thị phụ không thể là một tác giả được vì Laura chưa bao giờ được cô ta hướng dẫn điều gì, và cô ta không hề dính dáng vào công trình nghiên cứu. Tiêu chuẩn ICMJE nói rất rõ là giám thị vẫn thể đứng tên tác giả trong một bài báo của nghiên cứu sinh mình hướng dẫn nếu không hội đủ 3 điều kiện chính là ý tưởng, thiết kế và phân tích; soạn thảo bài báo; và phê chuẩn bài báo.


Tài liệu tham khảo:
[1] Flanagin A, et al. Prevalence of articles with honorary authors and ghost authors in peer-reviewed medical journals. JAMA 1998; 280:222-224.
[2] Hwang SS, et al. Researcher contributions and fulfillment of ICMJE authorship criteria. Radiology 2003; 226:16-23.
[3] Stone RM. American Journal of Roentgenology 1996; 167:571-9. Hơn phân nửa các bài báo khoa học công bố trên tập san American Journal of Roentgenology có hơn 5 tác giả.
[4] International Committee of Medical Journal Editors. Uniform requirements for manuscripts submitted to biomedical journals. JAMA 1997; 3/4277:927-34. http://www.icmje.org.
[5] Yank V, Rennie D. Disclosure of researcher contributions: a study of original research articles in the Lancet. Ann Int Med 1999; 130:661-70.
[6] Frank Ryan, Tuberculosis: The Greatest Story Never Told (Worcestershire: Swift, 1992); Albert Schatz, "The true story of the discovery of streptomycin," Actinomycetes, Vol. 4, Part 2, 1993, pp. 27-39.
[7] Kerryn Robinson, "Few rewards for science graduates" (letter), Australian, 21 January 1997, p. 12.

chocolatenoir
03-27-2009, 04:34 AM
Bài báo trên Tia sáng về vấn đề xây dựng Đại học đẳng cấp quốc tế ở Trung quốc
http://www.tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=65&News=2745&CategoryID=6


Edit :Hôm qua viết có 1 dòng mà cũng viết sai chính tả :batthan (, chắc tại buồn ngủ quá. Cám ơn Thuydung nhắc nhở.

thuydung
03-27-2009, 05:24 AM
Hi, pro, your link direct me to topic "Con đường xây dựng các đại học đẳng cấp quốc tế của Trung Quốc <!-- Publish Date -->". There is nothing to do with Vietnam, men.

Lại đọc thêm một bài cũ nữa, nhưng cũng không tệ. Người TQ đã làm được một số việc mà người Việt Nam còn đang loay hoay:
"Nghèo cũng cho con đi học": chi rất mạnh cho các trường lớn. Nhìn lại các trường của mình, cơ sở còn kém quá. Không biết bây giờ có bao nhiêu cái NMR ở VN.
"Biết người biết ta": đánh giá khá khách quan năng lực của các trường ĐH Trung Quốc và ĐH trên thế giới. Việt Nam còn chưa biết rõ thứ hạng của mình và còn mơ mộng đến 2020 sẽ có trường lọt vào tốp 200.

Hôm nay Spring break, viết bậy bạ mấy dòng chơi. Tâm sự thì nhiều nhưng chẳng buồn viết.

aqhl
03-27-2009, 06:20 AM
Hong Kong University of Science and Technology được chính phủ Hong Kong thành lập năm 1991, đến nay mới được 18 năm nhưng đã lọt vào top 300. http://www.arwu.org/rank2008/ARWU2008_C(EN).htm

Pohang University of Science and Technology, trường đại học tư ở Hàn Quốc thành lập từ năm 1986, đến nay được 23 năm, cũng lọt vào top 400. http://www.arwu.org/rank2008/ARWU2008_D(EN).htm

Tiếc là Việt Nam không có nhiều tiền như Hong Kong hay các tập đoàn tư bản ở Hàn Quốc, đồng thời lại chưa có nhiều GS người Việt hoặc du học sinh Việt xuất sắc ở nước ngoài đề kêu trở về đóng góp, mặt bằng khoa học và cơ sở hạ tầng trong nước chưa phát triển nên dù cho chính phủ khá quyết tâm, cũng khó đạt mục tiêu trong thời gian ngắn.