PDA

View Full Version : BÀN CHÚT VỀ KÌ THI ĐH SẮP TỚI


myheaven_92
06-29-2006, 05:15 PM
Luyện thi: Thầy chạy sô, trò ngủ gục

Chỉ còn khoảng 1 tuần nữa, kỳ thi đại học, cao đẳng 2006 sẽ bắt đầu. Các lò ôn luyện thi cấp tốc cũng đang tích cực chạy đua với thời gian. Hiệu quả từ những nơi này có đáp ứng được điều thí sinh kỳ vọng?
Thạc sĩ Lưu Tài, ĐH Sư phạm TPHCM, đúc kết: “Đã là dạy cấp tốc thì không bảo đảm chất lượng. Chỉ là nơi để những em có sẵn kiến thức hệ thống lại chương trình. Và quan trọng là cho các em yên tâm hơn mà thôi”.
Thật vậy, đây chính là điểm mấu chốt thu hút thí sinh ầm ầm đổ về các lò luyện thi cấp tốc.

Học sinh vừa tốt nghiệp phổ thông sợ mình không đủ kiến thức thi. Thí sinh đã có thời gian ôn luyện lâu hơn lại e ngại kiến thức mình chưa nắm vững. Các lò luyện cấp tốc phần lớn chỉ còn là chỗ dựa tinh thần cho thí sinh chuẩn bị bước vào kỳ thi.

Chúng tôi len lỏi vào học “chui” tại phòng B205 trường Đại học KHXH&NV TPHCM. Nơi đây đang ôn thi Địa lý.

Cả căn phòng rộng nhất trường chỉ còn lác đác chừng vài chục học sinh. Theo các bạn trong lớp, những ngày đầu nơi đây đông đến nỗi không có một chỗ ngồi. Nhưng sang đến tuần thứ hai, khi cảm thấy chất lượng học không cao, rất nhiều bạn nghỉ ngang, dù tiền học phí đã nộp cho khóa cấp tốc lên đến 500.000 đồng.

Thầy giảng cứ giảng. Trò chép cứ chép, không chép cũng chẳng sao. Tiết học giống như buổi thuyết trình một chiều. Bên dưới, nhiều học sinh chẳng buồn chép, ngồi nghe một cách lơ đãng.

Mùa luyện thi cấp tốc cũng là mùa chạy sô của giảng viên. Theo thống kê từ các học sinh, ở trung tâm luyện thi Đại học KHXH&NV TPHCM, giảng viên nghỉ khoảng 3-4 lần/tuần không báo lý do. Trung tâm Vĩnh Viễn khoảng 5-6 lần/tuần. Những trung tâm luyện thi khác như ĐH Kinh tế, ĐH Bách khoa cũng rơi vào tình trạng tương tự.

myheaven_92
06-29-2006, 05:17 PM
Áp lực nơi lò luyện


Kỳ thi càng đến gần, áp lực đè nặng lên học sinh tại những lò luyện này càng khủng khiếp. Mọi hy vọng của gia đình, người thân đặt lên vai khiến họ căng thẳng hơn bao giờ hết.

“Em đi thi cho cả họ!”.
“Em đi thi cho cả họ!”. Câu trả lời bất ngờ của T.Đoan, đang ôn thi tại Trung tâm Vĩnh Viễn khiến chúng tôi sửng sốt.

Quê Đoan ở Thanh Hóa và khăn gói vào TPHCM với cả một kỳ vọng lớn lao phía sau lưng. Cả họ chỉ còn cậu theo đuổi việc học hành. Ngày Đoan vào thành phố, cả họ họp lại, góp tiền giúp đỡ cho cậu và đặt ra mục tiêu phải đậu bằng bất cứ giá nào.
Riêng Đoan thì chán nản: “Em biết sức của mình. Năm nay em thi vào ĐH Ngoại thương, nhưng với kiến thức như bây giờ không thể đậu nổi. Nếu rớt, chắc em chẳng dám bước chân về quê nữa”…

Riêng Đoan thì chán nản: “Em biết sức của mình. Năm nay em thi vào ĐH Ngoại thương, nhưng với kiến thức như bây giờ không thể đậu nổi. Nếu rớt, chắc em chẳng dám bước chân về quê nữa”…

H. Oanh, đang ở trọ tại một con hẻm đường Đinh Tiên Hoàng, ôn thi tại Đại học KHXH&NV TPHCM cũng đang stress cực độ.

Dù ôn thi cả năm trời rồi nhưng được nghỉ 1 tháng, về nhà chưa được mấy ngày, gia đình đã thúc ép em lên lại thành phố. Tối nào Oanh cũng thức khuya đến 2-3 giờ sáng nhưng không học được là bao vì suy nghĩ và căng thẳng quá.
Những người như Đoan, Oanh không ít tại các lò luyện cấp tốc. Đáng lẽ thời gian này, họ nên ôn thi một cách nhẹ nhàng, hệ thống bài vở hơn là lao đầu đi ôn như những con thiêu thân. Cũng biết chẳng kiến thức thu lượm được là bao, nhưng cứ phải có mặt để yên tâm phần nào.
Họ đâu biết rằng, cứ cắm đầu vào học như thế, có thể sẽ phản tác dụng.

myheaven_92
06-29-2006, 05:19 PM
Tuyển sinh ĐH, CĐ 2006: Không được mang máy tính có thẻ nhớ vào phòng thi


Theo tin từ Bộ GD-ĐT ngày 26-6, công văn khẩn của bộ gửi các trường đại học, học viện về công tác tăng cường chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2006 chính thức khẳng định:
Chỉ cho phép thí sinh mang các vật dụng sau đây vào phòng thi: bút viết, bút chì đen, compa, tẩy, thước kẻ, thước tính, máy tính không có chức năng soạn thảo văn bản và không có thẻ nhớ như các máy tính nhãn hiệu Casio fx 95, fx220, fx500A, fx500MS, fx750MS và các máy có tính năng tương tự.

Ngoài các vật dụng nói trên, thí sinh không được mang bất kỳ tài liệu, vật dụng nào khác vào phòng thi (năm trước, quy định cấm này được áp dụng rộng hơn ở khu vực thi). Thí sinh mang tài liệu, vật dụng trái phép vào phòng thi, dù chưa sử dụng đều bị đình chỉ thi.
Đặc biệt, Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu Hội đồng tuyển sinh các trường đại học, học viện phối hợp với chính quyền và công an địa phương đảm bảo an toàn, trật tự tại các điểm thi. Tăng cường lực lượng bảo vệ vòng ngoài nhằm ngăn chặn kẻ xấu xâm phạm khu vực thi, cướp đề thi, chuyển tài liệu, phá rối trật tự.

myheaven_92
06-29-2006, 05:22 PM
“Đại học đẳng cấp quốc tế”: Các nhà khoa học trong và ngoài nước trực tiếp tham gia


* Trường sẽ áp dụng những ý tưởng, phương pháp luận và phương thức hiện đại trong hoạt động giáo dục, nghiên cứu, quản lý... * Tuyển chọn cán bộ quản lý, giảng viên theo thông lệ quốc tế, với mức lương tương đương các ĐH lớn trong khu vực.
Ông Trần Xuân Giá, Trưởng ban Nghiên cứu của Thủ tướng chính phủ, Ủy viên Hội đồng Quốc gia giáo dục, Tổ trưởng Tổ Công tác xây dựng Đề án Đại học đẳng cấp quốc tế đã có cuộc trò chuyện với phóng viên xung quanh những nội dung trên.

Nhà nước đầu tư ban đầu khoảng 100 triệu USD!


- Thưa ông, trong quyết định vừa qua của Thủ tướng “Về chủ trương và những định hướng lớn xây dựng ĐH đẳng cấp quốc tế của VN” (ĐHĐCQT) có ấn định thời gian Tổ Công tác phải trình Thủ tướng phê duyệt Đề án khả thi vào quý 1-2007. Vậy, các điều kiện để xây dựng ĐHĐCQT đã chín mùi?

- Trước hết, tôi muốn nhắc lại mục tiêu xây dựng ĐHĐCQT của VN đã được khẳng định trong quyết định của Thủ tướng Chính phủ là để “đạt trình độ đào tạo, nghiên cứu hàng đầu của nước ta, có khả năng cạnh tranh quốc tế; tạo mô hình trường đại học mới có tác dụng thúc đẩy, tạo động lực, làm bài học kinh nghiệm cho đổi mới hệ thống giáo dục đại học nước nhà”. Tôi nghĩ, ở nước ta hiện nay cũng đã có các điều kiện về nguồn nhân lực (nhà giáo, cán bộ quản lý, cán bộ nghiên cứu), cơ sở vật chất (địa điểm, nguồn thiết bị, sách vở) và đặc biệt là sự đồng thuận xã hội để xây dựng một ĐHĐCQT.

- Theo quyết định, “Chính phủ bảo đảm đầu tư ban đầu để xây dựng trường, đầu tư tập trung và dứt điểm”, vậy hướng đầu tư này sẽ được dự trù là bao nhiêu?

- Đầu tư cho giáo dục phải được xem là đầu tư phát triển, một lĩnh vực đầu tư mang lại hiệu quả kinh tế-xã hội cao nhất, lâu dài nhất. Với trình độ đạt được như hiện nay, nhà nước có đủ khả năng để đầu tư xây dựng một trường ĐHĐCQT với nguồn vốn ban đầu từ dự tính trên 100 triệu USD. Dự định Chính phủ sẽ đầu tư cho trường theo hợp đồng trọn gói và trường được thí điểm cơ chế hoạt động tài chính riêng. Ngân sách Nhà nước sẽ chiếm phần quan trọng trong chi thường xuyên, đặc biệt là trong 10 năm đầu.

- Như vậy Nhà nước sẽ “bao trọn gói” ngân sách?

- Trong quá trình phát triển, trường thực hiện nguyên tắc cạnh tranh theo cơ chế thị trường để thúc đẩy sáng tạo và phát triển, bên cạnh nguồn thu từ ngân sách Nhà nước, sẽ xác lập một nguồn tài chính đa dạng, ngày càng tăng, bao gồm: học phí; hợp đồng nghiên cứu, chuyển giao công nghệ; liên kết kinh doanh với các doanh nghiệp; quỹ hiến tặng (endowment); hợp tác, tài trợ nhân lực, vật lực từ các ĐH trên thế giới. Hợp tác quốc tế là vấn đề có tính sống còn đối với trường, ngay từ khi xây dựng đề án. Nhiều trường ĐH hàng đầu của Hoa Kỳ như Harvard, MIT, Rice... đã bày tỏ ý định hỗ trợ VN trong việc xây dựng ĐHĐCQT, trước hết là kinh nghiệm xây dựng trường.

- Đến giờ này chắc Tổ Công tác đã có một hình dung khá cụ thể về cơ sở vật chất của trường?

- Nếu chọn phương án xây dựng hoàn toàn mới, trường dự định được xây dựng trong khuôn viên trên 100 ha, với cơ sở vật chất, thiết bị, hạ tầng công nghệ thông tin, truyền thông, học liệu và những điều kiện vật chất, thiết bị khác bảo đảm chất lượng tương tự các ĐH hàng đầu trong khu vực, dù quy mô có thể nhỏ hơn.

Ban giám hiệu có thể là người nước ngoài!

- Chúng tôi rất quan tâm đến yếu tố “con người” trong ngôi trường đặc biệt này. Vậy thưa ông, làm thế nào trường tuyển được giảng viên có đẳng cấp quốc tế?

- Trường có đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên theo chuẩn quốc tế về quy mô, cơ cấu, chất lượng. Nguồn giảng viên của trường là các nhà khoa học và giáo dục hàng đầu trong nước, các nghiên cứu sinh tốt nghiệp xuất sắc từ các trường đẳng cấp cao trong và ngoài nước và các GS nước ngoài.

- Chính sách nào để “chiêu hiền đãi sĩ”?

- Dự định trường sử dụng cơ chế tài chính cạnh tranh, tổ chức Hội đồng tuyển chọn và phương thức phỏng vấn để tuyển dụng cán bộ, giảng viên. Trường chỉ ký hợp đồng làm việc trong khoảng 3-5 năm với các GS thông qua quy trình tuyển chọn theo thông lệ quốc tế. Để đảm bảo thu hút được những chuyên gia giỏi, mức lương của các GS tương đương với mức của các ĐH lớn trong khu vực.

- Còn đội ngũ quản lý trường có “đẳng cấp quốc tế” cũng không phải là chuyện nhỏ, tiêu chí nào để tuyển chọn?

- Cơ cấu khung quản lý nhà trường dự định gồm: Hội đồng trường, Ban giám hiệu, Hội đồng cố vấn, Hội đồng Khoa học-đào tạo và Ban Giám sát. Hội đồng trường gồm đại diện chủ sở hữu Nhà nước (Bộ GD-ĐT, Bộ KH-CN), đại diện cán bộ quản lý trường và mời một số người ngoài trường tham gia. Hội đồng trường thảo luận và quyết định các vấn đề và chính sách quan trọng liên quan đến định hướng đào tạo, quản lý và các quyết định lớn về đầu tư, nhân sự.

- Chúng tôi nghe nói ban giám hiệu có thể là người nước ngoài?

- Vâng, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng có thể có cả người nước ngoài. Chúng ta đã có chủ trương thuê người nước ngoài làm giám đốc doanh nghiệp nhà nước thì việc thuê người nước ngoài làm hiệu trưởng một trường đại học cũng là điều bình thường và cần phải làm vì chúng ta còn thiếu nhiều kinh nghiệm. Vì vậy, dự định 5 năm đầu có thể mời chuyên gia có kinh nghiệm nước ngoài làm cố vấn cho hiệu trưởng (hoặc trực tiếp làm hiệu trưởng).



Ngay cả hội đồng cố vấn cũng có tính quốc tế: mời một số chính khách, nhà khoa học, giáo dục hàng đầu ở trong và ngoài nước nổi tiếng trên thế giới và trong khu vực tham gia. Hội đồng Khoa học- đào tạo cũng gồm các nhà khoa học trong và ngoài nước.

- Trong quá trình xây dựng đề án, các đối tác nước ngoài có tham gia?

- Trên cơ sở quyết định của Thủ tướng, chúng tôi sẽ mời các đối tác và chuyên gia trong và ngoài nước tham gia tư vấn xây dựng đề án khả thi. Các đối tác mời tham gia xây dựng đề án chủ yếu là các chuyên gia từ Hoa Kỳ, một số chuyên gia hàng đầu ở châu Âu, và những đối tác quan trọng khác từ Nhật, Pháp, Singapore..., và từ những nước có điểm xuất phát thấp tương tự Việt Nam như Trung Quốc, Ấn Độ...

- Cuối cùng, ông có thể giới thiệu về mô hình của trường?

- Trường đào tạo 3 cấp: đại học, cao học và tiến sĩ. Trong 5 năm đầu tiên, quy mô đào tạo của trường khoảng 1.000-1.500 sinh viên. Thời gian của các chương trình đại học-thạc sĩ-tiến sĩ là: 4-1-3 năm. Trước mắt đào tạo một số ngành mũi nhọn về khoa học tự nhiên và công nghệ.

- Xin cảm ơn ông.

myheaven_92
06-29-2006, 05:24 PM
ĐHQG TP.HCM: chấm thi trắc nghiệm cho 10 trường ĐH, CĐ


Trao đổi với chúng tôi chiều qua 25-6, TS Nguyễn Hội Nghĩa (giám đốc Trung tâm Khảo thí và kiểm định chất lượng, ĐHQG TP.HCM) cho biết ĐHQG TP.HCM đã ký kết chấm thi trắc nghiệm khách quan môn tiếng Anh cho 10 trường ĐH, CĐ.
TS Nguyễn Hội Nghĩa cũng cho biết thêm nhằm đảm bảo tính khách quan trong khi chấm thi trắc nghiệm, ĐHQG TP.HCM cũng sẽ mời các trường có ký kết hợp đồng chấm thi tham gia giám sát công tác chấm thi, bên cạnh các đoàn thanh tra, kiểm tra...

Trước đó, Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) cũng đã có công văn về việc "phối hợp tổ chức thi trắc nghiệm tuyển sinh ĐH, CĐ 2006", giao cho ĐHQG TP.HCM nhiệm vụ xử lý bài thi cho các trường phía Nam, bao gồm khu vực TP.HCM, đồng bằng sông Cửu Long và Trường ĐH Tây nguyên.
Còn Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục có trách nhiệm xử lý bài thi trắc nghiệm tại Hà Nội cho các trường phía Bắc (từ Thanh Hóa trở ra), ĐH Vinh và ĐH Qui Nhơn.

myheaven_92
06-29-2006, 05:28 PM
Hai điểm mới của thi đại học năm 2006 và những vấn đề đặt ra

Năm thứ 5 Bộ GD-ĐT thực hiện phương án 3 chung trong tuyển sinh ĐH, CĐ cơ bản không có thay đổi đáng kể so với 4 năm đã qua. Tuy nhiên, rút kinh nghiệm của kỳ thi tuyển sinh năm 2005, đồng thời chuẩn bị cho sự đổi mới căn bản vào năm 2009, năm nay, công tác này cũng có một số điểm mới.
Trước hết, một phương pháp đánh giá được Bộ GD-ĐT cho là tiên tiến - trắc nghiệm khách quan (TNKQ) - sẽ được áp dụng cho môn ngoại ngữ. TNKQ trong thi ngoại ngữ không phải là chuyện xa lạ và số thí sinh là học sinh lớp 12 năm nay đã được tập dượt qua một lần thi thử, một lần thi thật cấp quốc gia. Số thí sinh tự do cũng đã được “thị trường” luyện thi “chăm sóc” cẩn thận. Nhờ có TNKQ mà các lò luyện thi khối D lại có điều kiện phát triển. 100 câu hỏi trả lời trong 90 phút tuy chỉ là đánh dấu vào một phương án duy nhất đúng hoặc đúng nhất nhưng nếu chỉ có kiến thức mà không nhanh tay, nhanh mắt nhờ luyện thì cũng không phải là việc dễ dàng.

Điều đáng nói là với phương thức thi này, những vấn đề có thể lờ đi trong kỳ thi tốt nghiệp thì không thể không nghĩ đến trong thi tuyển sinh. Trước hết đó là số mã đề trong một phòng thi. Dù đây là “bí mật quốc gia” như Bộ GD-ĐT vẫn khẳng định nhưng người ta cũng dễ dàng đoán ra mỗi phòng thi là 4 mã đề bởi nếu số mã đề nhiều hơn thì sẽ rất vất vả cho khâu sao in đề thi và tổ chức thi. Với 4 mã đề, với tỷ lệ đến thi khoảng 70% mà vẫn cách phát đề thi như ở kỳ thi tốt nghiệp thì không thể đảm bảo tính khách quan của bài thi trắc nghiệm vì rất dễ xảy ra tình trạng các thí sinh ngồi gần nhau có đề giống nhau.
Trong văn bản mới đây được gửi cho các trường, Bộ cũng đã hướng dẫn: “Nếu phát hiện 2 thí sinh ngồi cạnh nhau theo hàng ngang có cùng mã đề thi, cần chuyển ngay 1 trong 2 thí sinh ra chỗ khác, cùng hàng ngang, giữa hai thí sinh có mã đề thi khác, sau đó ghi lại số báo danh của thí sinh trên bàn”. Nếu làm đúng như hướng dẫn này thì mới được hàng ngang, còn hàng dọc - thí sinh ngồi trên ngồi dưới cùng dãy thì sao?

Trong trường hợp phòng thi có đủ thí sinh ( tuy tỷ lệ đến thi chỉ 70% nhưng cũng có thể xảy ra tình trạng này) thì lấy đâu chỗ mà chuyển. Vấn đề thứ 2 là việc chấm bài thi. Bài thi được thực hiện trên phiếu trả lời trắc nghiệm và khi nó được đưa vào máy để đọc thì các thông tin cá nhân của thí sinh đều “lộ thiên” với những người tham gia xử lý phiếu. ở kỳ thi tốt nghiệp, do tính chất của kỳ thi nên chuyện này chưa phải là điều mà xã hội quan tâm nhưng với thi tuyển sinh với tính cạnh tranh cao thì đây thực sự là một vấn đề. Làm thế nào để không thể có bất kỳ một sự can thiệp nào dù nhỏ, dù không vì mục đích tiêu cực xảy ra trong quá trình máy chấm bài nhưng bài thi không được mã hóa là điều mà dư luận đang quan tâm.

Trong hướng dẫn số 4821 ký ngày 9-6 vừa qua, Bộ cũng yêu cầu phải “bố trí cán bộ giám sát trực tiếp và liên tục; trước và sau khi quét, phiếu trả lời trắc nghiệm phải được niêm phong dưới sự chứng kiến của cán bộ giám sát; các thành viên tham gia xử lý phiếu tuyệt đối không được mang theo bút chì, tẩy vào phòng thi và không được sửa chữa thêm bớt vào phiếu với bất kỳ lý do gì”. Tuy nhiên, điều đáng lo không chỉ là bút chì và tẩy mà còn là đĩa mềm , thẻ nhớ và làm thế nào để giám sát từng phút cán bộ xử lý phiếu cũng không phải là điều dễ, nhất là ai đó đã có ý gian lận.
Năm nay cũng là năm đầu tiên có học sinh tốt nghiệp chương trình phân ban dự thi ĐH, CĐ. Đề thi là mối quan tâm hàng đầu của họ. Theo chủ trương của Bộ thì đề thi năm nay sẽ gồm 2 phần: Bắt buộc đối với tất cả thí sinh và tự chọn theo nội dung chương trình phân ban và không phân ban. Phần tự chọn của đề thi ĐH sẽ đúng nghĩa là tự chọn chứ không phải là tự chọn bắt buộc như thi tốt nghiệp vừa qua. Nghĩa là học sinh dù học theo chương trình nào thì cũng có thể lựa chọn chương trình phân ban hoặc không phân ban để làm bài, chỉ yêu cầu thí sinh đã lựa chọn đề nào thì phải làm trọn vẹn đề đó.
Tuy nhiên, điều mà các sĩ tử đang lo lắng là liệu phần tự chọn trong đề thi có độ khó, độ dài ngang nhau trong khi đề thi sẽ phải bám sát 2 chương trình mà chương trình phân ban lại có những hai bộ sách giáo khoa. Thêm nữa, với nhiều chương trình, nhiều bộ sách hẳn sẽ có những cách làm bài khác nhau và điều này có ảnh hưởng gì đến việc chấm thi hay không. Giám khảo được huy động từ nhiều nguồn, nhiều người chỉ dạy chương trình không phân ban liệu có đánh giá chuẩn xác bài làm của thí sinh làm theo đề phân ban. Vẫn biết, dù chương trình nào thì kiến thức cũng như nhau nhưng trong một thời gian ngắn, phải chấm một khối lượng lớn bài thi, trời lại nắng nóng, nếu cứ chiểu theo đáp án chi tiết mà cho điểm thì sẽ dễ dàng hơn là phải cân nhắc để gạn lọc cho thí sinh từng 1/4 điểm quý giá.
Một quan chức của Bộ cũng đã khẳng định trên công luận rằng hướng dẫn chấm thi sẽ được xây dựng theo hướng có nhiều phương án thể hiện, phù hợp với từng bộ sách giáo khoa khác nhau; sẽ có hướng dẫn chi tiết cho các hội đồng chấm và có giám sát, giải quyết kịp thời những thắc mắc nảy sinh trong quá trình chấm. ấy là về lý thuyết, còn có đi xem chấm thi thì mới thấy, lý thuyết ấy không dễ gì được các giám khảo thực hiện đến nơi, đến chốn. Chỉ riêng yêu cầu chấm 2 vòng độc lập tại hai phòng chấm riêng biệt mà trong năm qua vẫn có tình trạng cán bộ chấm thi vòng 1 đánh dấu để cán bộ chấm theo hoặc cán bộ chấm thi vòng 2 không chấm điểm theo từng ý, chỉ ghi điểm cả câu. Đó là chấm theo một đáp án, nay chấm theo nhiều đáp án nếu không có giải pháp khoa học thì người ta lo đến sự bất công bằng cũng là hợp lý.

Chỉ còn 2 tuần nữa, kỳ thi quan trọng nhất và căng thẳng nhất sẽ diễn ra. Dù cơ bản vẫn giữ sự ổn định nhưng những điểm mới kể trên cũng đặt ra những vấn đề đòi hỏi những người tổ chức thi phải lường trước để kỳ thi đạt được các yêu cầu: An toàn, nghiêm túc, công bằng.


Thí sinh chỉ được phép mang vào phòng thi bút viết (không có gắn đèn phát ra ánh sáng), thước kẻ, bút chì đen, tẩy chì, compa, êke, thước vẽ đồ thị, dụng cụ vẽ hình, máy tính cầm tay không có chức năng soạn thảo văn bản và không có thẻ nhớ.