View Single Post
Old 07-19-2009 Mã bài: 42423   #44
Teppi
Administrator
 
Teppi's Avatar

Tu Tâm - Tấn Tầm
 
Tham gia ngày: Jul 2008
Location: Sài Gòn, Việt Nam
Tuổi: 53
Posts: 912
Thanks: 82
Thanked 960 Times in 406 Posts
Groans: 0
Groaned at 23 Times in 20 Posts
Rep Power: 95 Teppi is a splendid one to behold Teppi is a splendid one to behold Teppi is a splendid one to behold Teppi is a splendid one to behold Teppi is a splendid one to behold Teppi is a splendid one to behold
Default

Chào cả nhà,

Theo ý kiến của tôi, e rằng câu phát biểu của anh Tuấn Ngọc đã bị bạn cocain trích dẫn không đúng bối cảnh dễ dẫn đến hiểu không đúng và dễ gây xuyên tạc.

Với điều kiện của sinh viên vào những năm 84 - 89, việc học ở các nước phương Tây là một điều cực kỳ gian nan và đầy thách thức. Tài liệu thì nhiều ở các nước này nhưng việc hiểu nó, sử dụng được nó là một chuyện hoàn toàn khác. Do vậy, người sinh viên du học nhờ học bổng của chính phủ và bên cạnh nổ lực bản thân còn phải tìm cách để có được những hổ trợ khác nhằm sử dụng tài liệu một cách hiệu quả. Do đó, việc liên kết giữa các sinh viên thời bấy giờ bên cạnh tìm tài liệu qua sách in còn là giúp nhau “giải mã” chúng. Sinh viên như các anh chị thời đó đâu có được những phương tiện thông tin hiện đại để liên lạc nhanh như bây giờ đâu. Họ phải tự cật lực “đọc-thực hành-nhớ” rồi về nước để truyền đạt những kiến thức, kinh nghiệm của mình thông qua seminar, hướng dẫn luận án, chủ nhiệm đề tài,… Họ, với những kiến thức hấp thu và trải qua kinh nghiệm thực tiễn, chính là những tư liệu sống, đầy giá trị cho phát triển nước nhà. Với anh Tuấn Ngọc, trở về làm việc tại VN sau những tháng năm đầy tự hào đó, câu phát biểu rất “bình dân” của anh là mong muốn những ai trong các du học sinh tiếp nối truyền thống học hỏi và chia sẻ kiến thức bằng chính những nổ lực tư duy sáng tạo của cá nhân, phải là một tư liệu sống đích thực để phục vụ nước nhà.

Tự hào trong số những bậc anh chị cô chú bác đi trước phải kể đến mà tôi biết là Bộ trưởng GD Nguyễn Thiện Nhân ( nguyên chủ nhiệm khoa Quản lý công nghiệp ĐH BK Tp HCM), TS Tôn Thất Minh Tân (nguyên trợ lý GS của bộ môn Polymer ĐH BK Tp HCM), TS. Nguyễn Thanh Bình ( nguyên phó khoa Công nghệ Hóa ĐH BK tp HCM) ,… là những người cày cuốc suốt thời sinh viên của mình để đóng góp rất nhiều kinh nghiệm cho khoa học và công nghệ…Có nhiều người đồng nghiệp Trung Quốc, Canada, Pháp của họ rất khâm phục khi kể cho tôi nghe về thái độ làm việc, ý chí học tập của họ. Khi mọi người có dịp nghỉ mát thì họ vẫn cố gắng dành thời gian đăng ký tham gia thêm các seminar để thu thập, trao đổi thông tin, đọc sách tại thư viện để giúp trả lời các câu hỏi từ các chủ nhiệm đề tài ở nước nhà,…Nhưng tuyệt nhiên, không ai trong họ lại vi phạm chuyện xé trang sách hay chôm một cuốn sách từ thư viện của viện, trường ở nước ngoài.

Nếu cần đi sâu vào tìm hiểu về việc TQ đã khéo léo như thế nào trong việc tận dụng cơ hội và nguồn lực của mình trong việc khai thác nguồn tài nguyên dữ liệu nghiên cứu của phương Tây, tôi sẵn sàng chia sẻ với các bạn. Những băn khoăn của bạn cocain là có lý khi bạn thấy được bề nổi của nó. Tuy nhiên, khi đi vào sâu, các bạn sẽ thấy rõ có sự tách bạch. Diễn đàn học thuật của TQ phục vụ cho chính những ai đang cùng một tổ chức, nhóm dự án,…chứ không phục vụ đại trà. Tất nhiên là những thành viên đó cần phải đáp ứng một số các điểu kiện nhất định thì mới được thụ hưởng đặc quyền thông tin. Bạn ở VN không thể đăng ký tham gia thành viên để được các tài liệu thông tin bạn tìm chỉ vì bạn không phải là thành viên thực thụ trong nhóm nghiên cứu của họ. Bạn chỉ có thể thấy được thông tin vỏ mà thôi. Khi có các câu hỏi chất vấn về vấn đề bản quyền và sở hữu trí tuệ, không phải chính phủ TQ lại làm ngơ và cho là không quan trọng. Họ đã khẳng định và yêu cầu tuân thủ rất cương quyết và khôn khéo. Nếu nhìn vào các hợp đồng nghiên cứu hợp tác khoa học với nước ngoài dưới nhiều hình thức của họ, bạn sẽ thấy rất rõ một đề mục mà trong đó, nó yêu cầu về việc bên A cung cấp các thông tin cần thiết để thực hiện thành công hợp đồng nghiên cứu, thành viên trong dự án bên B sẽ được quyền truy cập không hạn chế những thông tin phục vụ nghiên cứu nói trên. Như vậy trong thời gian đó, việc sử dụng thông tin tư liệu cho quá trình theo hợp đồng là hợp pháp… Một số hợp đồng còn đề cập đến cả việc thỏa thuận về thời hiệu và loại thông tin kết quả có thể sử dụng sau khi hợp đồng kết thúc. Nghĩa là nguồn tài nguyên phục vụ cho hợp đồng nghiên cứu đó và kết quả nghiên cứu trong hợp đồng đó sau bao lâu thì có thể được sử dụng rộng ra trong cộng đồng. Đây chính là cách tiếp cận khai thác tài liệu hợp pháp ở mức vĩ mô của quản lý nhà nước và đối ngoại. Tuy nhiên, ở đâu cũng vậy, chúng ta đều biết cũng có những con sâu làm rầu nồi canh. Một số diễn đàn khác ăn theo và làm ì xèo gây ảnh hưởng không ít đến hoạt động quản lý và giáo dục của nhà nước cũng như chính sách đối ngoại về bản quyền và sở hữu trí tuệ.

Việc bắt chước công nghệ, sản phẩm của TQ phải nói là bậc thầy hiện giờ, vượt luôn cả Nhật Bản của một thời. Nhưng cái họ làm không phải là dở, vi phạm pháp luật quốc tế hoàn toàn. Họ khai thác triệt để kho dữ liệu công khai patent để phân tích và vận dụng hiệu quả. Không ai bắt phạt một người TQ dùng patent hết hiệu lực để ứng dụng vào sản xuất. Cũng không ai phạt được một người TQ sản xuất sản phẩm từ một patent nước ngoài mà sản phẩm này chỉ có sử dụng trong nước không có bán ra nước ngoài. Đó là cách họ áp dụng và bắt chước thông minh từ người Nhật nhưng có biến cải phù hợp hơn trong thời đại thế giới phẳng này.

Trở lại với việc để có một tài liệu hợp pháp, đâu phải chỉ có một cách duy nhất là viết mail hỏi xin tác giả đâu ! Các bạn nên xem lại từ đầu trong phần tôi gửi để thấy là có nhiều giải pháp.

Cách 1: Hỏi trực tiếp đến tác giả bài báo hoặc người liên quan dưới hình thức thảo luận, thắc mắc, hỏi xin…

Cách 2: Hỏi người hướng dẫn làm đề tài nghiên cứu

Cách 3: Xin hoặc yêu cầu tài trợ để có thể truy cập nguồn tài liệu thông qua hợp đồng, nguyên tắc hợp tác, thỏa ước công việc.

Cách 4: Sử dụng và truy cập tài liệu trong giai đoạn được miễn phí từ các nhà xuất bản

Cách 5: Góp tiền đăng ký sử dụng tài khoản truy cập theo nhóm, viện.

Cách 6: Hỏi trực tiếp trong diễn đàn học thuật để có sự trợ giúp thông tin trích lượt, có dịch thuật để trao đổi, tìm hiểu học hỏi lẫn nhau.

Cách 7: Đóng tiền đăng ký thành viên thư viện của trường để có thể truy cập dữ liệu

Cách 8: Đăng ký tham gia các dự án nghiên cứu hay triển khai công nghệ để có tài trợ về tư liệu khoa học kỹ thuật

Cách 9: Tham gia các hội thảo kỹ thuật của các tổ chức phi chính phủ, công ty, nghiệp đoàn, …


Cách 10: Tham gia các chương trình học bổng có tài trợ tư liệu thông tin khoa học

Cách 11: Viết bài học thuật và trao đổi với các học giả, tác giả cùng chủ đề quan tâm

Việc áp dụng linh động các giải pháp trong các bối cảnh của mình sao cho phù hợp là điều cần thiết . Cần phải nỗ lực mới nên thành công. Không có lối tắt nào cho con đường chúng ta đi. Các bạn đi làm sẽ khác với những bạn đi học. Bạn làm trong dự án sẽ có cách khác với bạn tham gia một đề tài cấp Bộ, trường… Nhưng khi chúng ta liên kết giúp nhau để hỏi thông tin và chia sẻ đúng cách, việc này sẽ dễ dàng hơn chứ đâu có gì là bế tắc. Tôi vẫn mong và hy vọng các mod, super mod, supporter hướng dẫn mọi người bằng hành động và bằng cách làm gương. Cuộc hành trình này không dành cho những kẻ hèn yếu – những người thích an nhàn hơn làm việc, hoặc những kẻ chỉ biết hám lợi cầu danh - nhưng dành cho những người dám lăn xả, cần cù, và có óc sáng tạo… Chẳng lẽ chúng ta tự ti đến nỗi không thể nói lên tiếng nói của mình với người hướng dẫn luận văn, chủ nhiệm đề tài, quản lý thư viện, nhà quản lý chuyên môn, giám đốc, trưởng bộ phận về chi phí tài liệu xét theo chi phí cơ hội và năng lực.

Tôi cũng như các bạn, bước chân ra đời từ chính cơm ăn áo mặc cha mẹ lo, một số nhờ học bổng của chính phủ, một số tự lực cánh sinh vừa học vừa làm. Hãy tự hỏi chính mình liệu có thể cảm ơn nickname vanchungus vì đã đồng ý kiến với nickname này về câu phát biểu “các đồng chí ăn cơm VN mà nói chuyện thế giới” và việc bạn ấy có hơn 6000 đầu sách với hơn 200GB bài báo, phần mềm ( những cái đó đâu phải đích thực là tài sản được bỏ ra bằng tiền của bạn ấy! )? Chưa kể, nếu tôi là bạn ấy, liệu có chủ dự án nào, công ty nước ngoài nào, viện nghiên cứu nước ngoài dám nhận bạn ấy vào làm nữa không khi biết bạn ấy “nổi tiếng” tàng trữ mớ dữ liệu ấy. Họ sẽ tự hỏi tiếp theo liệu bạn ấy vào sẽ “nhổ” của họ cái gì ? Với những nơi bạn ấy đã học tập làm việc, liệu làm theo vanchungus như vậy có phải là một mô hình làm việc và hợp tác win-win chăng?

Chúng ta không phải là đồng chí của vanchungus trong cái việc ăn cắp, chôm chỉa. Chúng ta ăn cơm VN - bàn chính chuyện tương lai của chúng ta và con em chúng ta trong bối cảnh mới. Chúng ta học và làm đúng theo một con người lương thiện có lòng tự trọng, luôn học hỏi và sáng tạo không ngừng.


“Chúng ta không đòi hỏi Tố quốc cho ta cái gì, chúng ta cần phải tự hỏi mình có thể làm gì cho Tổ quốc” (“Ask not what your country can do for you, ask what you can do for your country” John Fitzgerald Kennedy, 1917-1963)

Tôi thấy cần phải nhắc lại với các bạn câu nói nổi tiếng này vì bạn cocain và cũng như nhiều bạn khác vẫn luôn nghĩ rằng điều kiện nước nhà hiện tại chưa cho phép có được cái này cái nọ để phát triển nhưng kỳ thực trong những năm gần đây số lượng du học sinh VN tăng vọt, các trường nước ngoài cũng nhiều, các tổ chức giao lưu tri thức cũng tăng tại VN. Tựu trung lại, chỉ có chính chúng ta còn quá kém năng động, thiếu rèn luyện những kỹ năng học tập và kỹ năng sống cần thiết để có thể tham gia tốt trào lưu trao đổi tri thức mới trên thế giới. Điều này, nếu không dám mổ xẻ, nhìn nhận và thay đổi thì vẫn còn phải đề cập tới dài dài.

Hôm nay tôi muốn nói với các bạn rằng những thách thức là có thật, nhiều và nghiêm trọng. Sẽ không dễ dàng đối phó với vấn nạn ăn cắp thông tin, vi phạm bản quyền ở nhiều nơi và tình trạng thiếu thốn thông tin nghiên cứu khoa học, chúng sẽ không biến mất trong một thời gian ngắn. Nhưng xin hãy nhận biết điều này- chúng ta sẽ thành công. Tôi mở topic này, chúng ta thảo luận tại đây bởi vì chúng ta chọn hy vọng thay vì sợ hãi bế tắc, cùng hướng về một mục đích thay vì tranh chấp và bất đồng…

Cuối lời, tôi muốn gửi đến các bạn một câu chuyện và một ý kiến tâm sự từ những con người bình thường qua bài báo này mà để nhủ rằng đừng tự đánh mất chính mình.


Trích:
Nghèo cho sạch, rách cho thơm

TT - Mấy mươi năm trôi qua, anh em tôi giờ đều đã trưởng thành, lập gia đình và có cơ ngơi, sự nghiệp. Trong những dịp tề tựu đông đủ, chúng tôi không quên nhắc lại câu chuyện ngày xưa để nhắc nhau bài học làm người đầu tiên mà ba má đã dạy: “Nghèo cho sạch, rách cho thơm”.
Ngày ấy, khoảng những năm 1980, gia đình tôi nghèo lắm. Nhà sáu người, bốn anh em tôi và ba má nhưng chỉ trông chờ vào chiếc ghe máy làm kế sinh nhai. Ba má phải bươn chải bằng nghề mua bán trái cây mới đủ nuôi sống gia đình. Mùa nào thứ đó, thu gom trái cây từ các nhà vườn rồi chở ra tận chợ Cần Thơ bán lại, lấy công làm lời là chủ yếu. Tờ mờ sáng ba má đã thức dậy chuẩn bị sẵn thức ăn cả ngày cho mấy anh em. Sáng anh Hai chỉ cần nấu nồi cơm là xong. Nhà nghèo nên má tiết kiệm chi tiêu đến mức đối đa, món ăn thường trực chỉ là tép chấu rang mặn hoặc cá lòng tong kho khô, món rẻ nhất thời đó. Lâu lâu má mới cho ăn thịt một lần và lần nào chúng tôi cũng đòi má làm món thịt nướng.
Mấy tuần trôi qua chẳng hề thấy má mua thịt như thường lệ, mấy anh em tôi thèm rỏ dãi mà chẳng dám nhắc. Mỗi sáng, nhìn hàng thịt của bà Sáu bán trước cửa, tôi lại nhớ đến mùi thịt nướng thơm phưng phức. Anh Hai bàn kế hoạch hay là lấy cắp của bà Sáu một miếng chắc không bị phát hiện. Tôi được phân nhiệm vụ ra đứng sát kệ thịt để che tầm nhìn của bà Sáu, chị Tư cảnh giới, anh Hai sẽ lấy rồi chuyền cho chị Ba đem vô nhà. Mọi việc trót lọt, ba chị em tôi ngồi đợi anh Hai chế biến chiến lợi phẩm.
Món thịt anh Hai làm tuy không thơm ngon bằng má nhưng cũng hơn gấp trăm lần món cá tép ngán đến tận cổ. Mấy anh em ngồi xúm xít quanh mâm cơm chuẩn bị thưởng thức thì chợt ba má về đến. Khỏi phải nói mặt đứa nào cũng tái mét, sau một hồi quanh co cuối cùng anh Hai cũng nói thật. Ba giận xanh mặt, má tức nói không thành tiếng. Hậu quả là má phải trả tiền lại cho bà Sáu và bốn anh em phải khoanh tay xin lỗi. Mấy anh chị lớn mỗi người ăn đòn 20 roi thẳng tay, tôi nhỏ nhất nhưng cũng bị năm roi. Bị đòn đau nhưng đĩa thịt cũng chẳng được ăn, ba đem đổ hết xuống sông. Coi như một bài học nhớ đời về câu “nghèo cho sạch, rách cho thơm”.
Hôm sau má mua cả ký thịt sườn non đem nướng cho đám con ăn đã thèm. Mãi sau này chúng tôi mới biết những ngày đó do chuyến hàng bị chìm nên vốn liếng tiêu tan, ba má chẳng còn tiền mua thức ăn sang. Bữa tiệc thịnh soạn đó là từ tiền má bán đôi bông tai, kỷ vật cưới duy nhất. Nhìn đàn con đang tuổi ăn tuổi lớn thèm ăn đến nỗi phải ăn cắp thì bậc làm cha mẹ nào mà chẳng xót xa.
Cuộc sống gia đình ngày càng khó khăn khi anh em tôi càng lớn, nào tiền trường, sách vở, ăn uống... trong khi việc mua bán của ba má càng lúc càng ế ẩm. Thiếu thốn, đói khát nhưng chẳng đứa nào dám nghĩ đến chuyện ăn cắp nữa mỗi khi nhớ đến trận đòn ngày ấy.
Những vất vả, cơ cực rồi cũng trôi qua. Anh em tôi giờ đã trưởng thành. Đôi khi ngồi nhắc lại chuyện xưa tôi hay trách: “Sao ba má ngày đó ra tay chi nặng dữ vậy”. Má cười hiền hậu: “Ba má đánh tụi con, tụi con đau một, ba má đau mười nhưng thương con thì phải dạy dỗ”. Trong mỗi con người đều tồn tại thiện và ác, khi đứa trẻ được dạy dỗ cái thiện, chế ngự điều ác thì sẽ trở thành người tốt và ngược lại.
Câu chuyện dạy con của ba má tôi chỉ đơn giản thế thôi nhưng với chúng tôi đó chính là kỷ niệm sâu sắc nhất, ý nghĩa nhất hình thành nhân cách tốt cho anh em chúng tôi.
NGỌC DIỄM (Cần Thơ)
trích Tuổi trẻ ngày Chủ Nhật, 19/07/2009,
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/In...&ChannelID=194
Trích:
Mất chính mình
Theo dõi liên tục những ý kiến trên diễn đàn mấy ngày qua, đặc biệt về bài viết của bạn lazylion_27006@... (Tuổi Trẻ ngày 18-7) tôi đã được nghe một số than phiền, chán nản khi mất quá nhiều nếu sống trung thực. Tôi tin những trải nghiệm “mất” của những bạn trẻ ấy là có thật. Nhưng liệu chúng ta có so đo, tính toán quá không về lẽ được mất trước mắt và nhất thời. Có sự thật nào không phải trả giá nhất định.
Đã tính chuyện được mất, tại sao chúng ta không nghĩ đến một cái mất khác lớn nhất nếu không sống trung thực: mất chính bản thân mình khi không đủ để sống và đi đến cùng sự thật. Khi đã mất bản thân mình, về lâu dài liệu ai có thể được điều gì ngoài làm cái bóng của người khác.
ducnguyen2711@...
( theo dòng ý kiến về câu hỏi” Sống trung thực, được gì?” trong diễn đàn Nhịp sống trẻ của báo Tuổi Trẻ http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/In...26&ChannelID=7 )

Chữ kí cá nhânIgnorance is dangerous, but sharing knowledge without responsibility is more dangerous

Teppi vẫn chưa có mặt trong diễn đàn   Trả Lời Với Trích Dẫn
Những thành viên sau CẢM ƠN bạn Teppi vì ĐỒNG Ý với ý kiến của bạn:
TAD (07-20-2009)